Đối với người Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà đã trở thành tín ngưỡng văn hóa, truyền từ đời này sang đời khác. Đối với mỗi gia đình, ban thờ gia tiên mang nhiều ý nghĩa quan trọng, gắn liền với văn hóa tâm linh.
Việc thờ cúng, lễ nghi thờ cúng cũng như các vật phẩm thờ cúng là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt nam được truyền đời từ hàng ngàn năm trước. Người Việt luôn có niềm tin rằng tổ tiên mặc dù đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng vẫn luôn hiện diện để che chở, phù hộ cho con cháu được bình an, gặp nhiều may mắn. Việc hiện diện của các anh linh tổ tiên đã khuất được lựa chọn ở một nơi riêng biệt, sạch sẽ, tinh khiết, thanh tịnh trong nhà, bởi vậy ban thờ gia tiên chính là nơi gắn kết giữa người còn sống với người đã khuất.
Ngoài ra, ban thờ gia tiên còn có ý nghĩa là nơi hiển linh của các vị tôn thần trong khu vực khi đến chứng giám các việc thiện ác của gia chủ, chứng thực lòng thành của gia chủ nhằm gia ơn bảo trì phù hộ cho gia chủ. Việc thờ cúng thần linh cai quản khu vực sinh sống (thành hoàng, thổ địa, táo quân) cũng được thực hiện tại ban thờ.
Ban thờ gia tiên còn thờ cúng các vong linh cư ngụ ở đất nơi gia đình đang sinh sống, mong những vong linh này phù hộ cho vạn sự như ý, mọi sự hanh thông.